20 năm thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại huyện Phước Long.
Thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách, là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, ổn định xã hội. Vì vậy, 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phước Long đã tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành trong huyện triển khai thực hiện đạt kết quả tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, tiến tới Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 10/5/2003 theo Quyết định số 444 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Phước Long có 18 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của huyện, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện làm thành viên. Trong 20 năm hoạt động, Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện luôn được củng cố, kiện toàn và tập trung được ý chí, sức mạnh tập thể trong chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng chính sách. Thường xuyên chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn, sử dụng vốn và giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm nguồn lực Nhà nước được sử dụng có hiệu quả; Họp Ban đại diện theo định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách quý trước và triển khai nhiệm vụ quý tiếp theo; tham gia cùng Chính quyền địa phương giải quyết những đề xuất của Ngân hàng CSXH như trụ sở làm việc, xây dựng kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng năm tới các xã, thị trấn trên địa bàn huyện… Đ/c Trần Đăng Vịnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long, cho biết: “ Khi mới thành lập trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực cũng như về điều kiện cơ sơ vật chất nhưng với sự quan tâm của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và cấp uỷ- chính quyền địa phương nên bộ máy tổ chức của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện nhanh chóng được kiện toàn, với đội ngũ cán bộ, viên chức đều có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, được bố trí, sắp xếp phù hợp với trình độ, khả năng của từng cá nhân và yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
Đến nay, màng lưới hoạt động của Phòng giao dịch đã rộng khắp với 01 trụ sở giao dịch, 8 điểm giao dịch lưu động tại 8/8 xã- thị trấn và 262 Tổ TK&VV đang hoạt động có hiệu quả tại các khu dân cư trên địa bàn toàn huyện. Màng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các ấp có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng CSXH, là cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần tuyên truyền và chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội cũng như đảm bảo an toàn và sử dụng vốn đúng mục đích, thông qua khâu kiểm tra, giám sát ngay tại từng địa bàn dân cư.

Cảnh khách hàng đến giao dịch vay vốn
Trải qua 20 năm, đến nay tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long đạt trên 371 tỷ đồng, tăng gần 351 tỷ đồng so với khi mới thành lập, trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương gần 332 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gần 23 tỷ đồng, chiếm trên 6 tổng nguồn vốn nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương gần 17 tỷ đồng, chiếm gần 5%tổng nguồn vốn. Đặc biệt là nguồn vốn thông qua Tổ TK&VV là một hình thức huy động mới được triển khai thực hiện từ năm 2009 nhằm giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thói quen thực hành tiền tiết kiệm, tạo lập vốn tự có và làm quen dần với các dịch vụ tài chính Ngân hàng. Đ/c Trần Đăng Vịnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long, cho biết thêm: “ Khi mới thành lập, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Đến nay đã thực hiện được 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, với tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt hơn 700 tỷ đồng và tổng doanh số thu nợ đạt trên 334 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, tổng dư nợ đạt trên 347 tỷ đồng, với hơn 12.700 hộ còn dư nợ, tăng gần 327 tỷ đồng so với khi mới thành lập”.
Trong quá trình hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận ủy thác, Tổ TK&VV và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm tới việc giải ngân cho vay đúng đối tượng thụ hưởng của từng chương trình, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Theo đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cấp huyện, chỉ đạo các xã- thị trấn có Nợ quá hạn cao thành lập Tổ thu nợ và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đôn đốc xử lý thu hồi nợ xấu trên địa bàn. Đến cuối tháng 6 năm 2022, dư nợ quá hạn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện gần 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1.66%/tổng dự nợ; nợ khoanh gần 35 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,08%/tổng dư nợ.
Trong 20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến hầu hết các ấp trong huyện. Các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH mang tính xã hội hoá cao, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ và chung sức, chung lòng triển khai thực hiện. Qua gần 20 năm được thành lập đi vào hoạt động và thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, toàn huyện Phước Long có gần 67.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện gần 900 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho hơn 12.340 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đồng thời, hỗ trợ vốn tạo việc làm cho hơn 13.540 lao động, gần 3.000 học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn để trang trãi chi phí học tập; hỗ trợ vốn cho người dân xây dựng gần 4.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 1.770 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở và hơn 510 hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Với sự đóng góp tích cực của Ngân hàng CSXH huyện Phước Long, đến đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống chỉ còn 0,29%, tương đương 89 hộ nghèo, chủ yếu thuộc diện bảo trợ xã hội, gặp tai nạn rủi ro bất khả kháng hoặc bệnh hiểm nghèo. Đ/c Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, khẳng định: “Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trong suốt những năm qua đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh, có thêm việc làm thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng Nông thôn mới trên đại bàn huyện”.
Có thể nói, trải qua 20 năm hoạt động, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Phước Long đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Việc ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước; đồng thời khẳng định chủ trương tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi hệ thống Ngân hàng thương mại là phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, là công cụ quan trọng đóng góp tích cực trong thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới, ổn định chính trị, an ninh- quốc phòng và phát triển kinh tế- xã hội. Đây được xem là "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.