I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Điều kiện tự nhiên của huyện
Phước Long là huyện vùng nông thôn sâu của tỉnh, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách trung tâm tỉnh trên 40 km; phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp tỉnh Cà Mau; phía Nam giáp huyện Giá Rai, Hoà Bình và Vĩnh Lợi; phía Bắc giáp huyện Hồng Dân. Huyện có 08 đơn vị hành chính cấp xã (07 xã, 01 thị trấn) và có 78 ấp, năm 2020 huyện có 30.196 hộ và 124.405 người, gồm 03 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa và Khmer.
Huyện có diện tích tự nhiên 41.964 ha, thế mạnh kinh tế chủ yếu hiện nay của huyện vẫn là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, huyện phân ra 02 vùng sản xuất: vùng ngọt ổn định, với diện tích 13.736 ha, chuyên sản xuất lúa và thực hiện một số mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình trồng màu, trồng bắp, năng bộp... Vùng chuyển đổi, diện tích 21.677 ha, chuyên nuôi tôm sú và thực hiện một số mô hình như: tôm - lúa, tôm - cua - cá, tôm - lúa - tôm càng xanh....
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, có đường ô tô về trung tâm các xã, đường liên ấp, liên xã, ngõ xóm thuận tiện cho lưu thông. Đặc biệt huyện có tuyến đường quản lộ Phụng Hiệp và tuyến kênh xáng Phụng Hiệp đi ngang qua địa bàn, thuận tiện cho giao thông cả đường bộ, đường thủy và kết nối các tỉnh, thành lân cận.
Trong những năm qua thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Phước Long được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong huyện, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, từ đó đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển vùng nông thôn của khu vực và của tỉnh, cụ thể như:
2. Về lĩnh vực phát triển kinh tế
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển kinh tế; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, làm tốt công tác thủy lợi – thủy nông nội đồng, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đến cuối năm 2020, diện tích canh tác trồng lúa 27.412 ha (trong đó, diện tích lúa - tôm 13.676 ha); diện tích gieo trồng 47.724 ha, tổng sản lượng lương thực 302.438 tấn. Diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản 22.477 ha; diện tích gieo trồng 92.081 ha (chủ yếu nuôi tôm, cua, cá); tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 47.729 tấn.
Ngành chăn nuôi của huyện đang từng bước đi vào ổn định số lượng và chất lượng nuôi; khuyến khích phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm, làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin, phòng, chống dịch bệnh, vận động hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, kết quả hàng năm ngành chăn nuôi đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Đầu tư xây dựng hạ tầng mở rộng diện tích sản xuất lúa tôm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kéo điện các trạm bơm, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt bảo vệ diện tích lúa tôm. Đến nay xây dựng được 28 trạm bơm điện hoạt động gắn với ô đê bao khép kín, 14 km bờ kè, kiên cố hóa kênh mương, tỷ lệ cống, bọng đạt 70%; hệ thống kênh mương thủy lợi, thủy nông nội đồng được nạo vét thường xuyên, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và dân sinh; toàn huyện có 27 Hợp tác xã (trong đó có 04 Hợp tác xã gắn với ấp nông thôn mới kiểu mẫu) và 58 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Lĩnh vực giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cơ bản đồng bộ, hiện nay đường trục huyện có trên 42 km, đường trục xã, liên xã 50 km, đường trục ấp, liên ấp 244 km, đường xóm ấp 272 km, cầu bê tông cốt thép 222 cây, phục vụ giao thông thông suốt và nối liền các tuyến lộ phục vụ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân; công trình hệ thống điện trung thế, hạ thế liên xã trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch phát triển của ngành điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt trên 99,8%.
Toàn huyện có 865 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 7.056 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể hoạt động, với nhiều loại ngành nghề khác nhau như: xay xát, nhựa, đan đát, cửa nhôm, cửa sắt.... nhìn chung các cơ sở hoạt động ổn định, doanh thu khá đảm bảo đời sống cho người lao động và sự phát triển của cơ sở. Hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển khá tốt, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Xây dựng, nâng cấp, mở rộng 06 chợ xã theo quy hoạch, phục vụ tốt nhu cầu mua, bán và trao đổi hàng hóa của nhân dân.
3. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội
Giáo dục – đào tạo được đầu tư đúng mức, chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng cao, nhất là việc nâng cấp, sửa chữa các trường, lớp các cấp học, đảm bảo phục vụ tốt dạy và học các điểm trường, có 41/43 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 95,34%; hằng năm huyện được Tỉnh kiểm tra, công nhận huyện đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở; thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm liền đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ thanh thiếu niên đã, đang học chương trình GDPT hoặc GDTX cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt trên 93%.
Nâng cấp, sửa chữa và xây dựng 7/7 xã có trung tâm văn hóa - thể thao xã, 78/78 ấp có nhà văn hóa, khu thể thao ấp đảm bảo khang trang, có các phòng chức năng, phòng đọc, kết nối internet... phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có 7/7 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn Phước Long đạt chuẩn văn minh đô thị; 78/78 ấp đạt chuẩn văn hoá, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm trên 95%. Các xã đều có Trạm truyền thanh, hệ thống loa không dây được trang bị đến các nhà văn hóa ấp, hoạt động liên tục 3 buổi trong ngày, phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của địa phương.
Mạng lưới y tế trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố và phát triển; chất lượng khám và chữa bệnh ngày càng được nâng cao, góp phần cùng huyện thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm y tế huyện được công nhận đạt chuẩn hạng 3; tất cả các xã được tỉnh công nhận đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh các trường học trên địa bàn huyện tích cực tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 85%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 9,2%.
4. Về lĩnh vực bảo vệ môi trường
Toàn huyện có 22 trạm cấp nước tập trung, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, chiếm 100% (tỷ lệ hộ sử dụng nước của các trạm cấp nước sạch theo quy chuẩn chiếm trên 90%). Huyện được tỉnh đầu tư xây dựng 01 lò đốt rác tập trung tại huyện, công suất 500kg/h bằng khí đốt tự nhiên và hạ tầng phục vụ cho công tác xử lý rác thải như sân phơi, nhà chứa, hệ thống điện,... công suất xử lý 12 tấn rác/ngày, đảm bảo xử lý tốt rác thải trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng huyện xanh, sạch, đẹp giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; vận động nhân dân xây dựng nhà tắm, cầu tiêu hợp vệ sinh; các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều có sử dụng hầm Biogas, đệm lót sinh học, các chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lợi ích kinh tế, tỷ lệ hộ dân có chuồng trại gia súc, gia cầm, chất thải, nước thải được xử lý đạt trên 98%.
5. Về an ninh trật tự, hành chính công
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định không để xảy ra đột xuất bất ngờ; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ và có nhiều mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả; không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm liền kề. Xây dựng 77 cổng an ninh trật tự ở các ấp. Thực hiện tốt công tác quốc phòng quân sự địa phương, xây dựng lực lượng và huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên hàng năm hoàn thành kế hoạch đề ra; tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu tỉnh giao, đảm bảo về chất lượng và số lượng.
Công tác cải cách hành chính triển khai thực hiện khá tốt, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của huyện và Bộ phận Một cửa các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Tính đến cuối năm 2020 có 347 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã, các thủ tục được đăng tải, công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện.
6. Du lịch
Huyện Phước Long có 4 khu du lịch sinh thái (vườn) tổng diện tích 9 ha, trong đó:
Thị trấn Phước Long 1 vườn, 2 ha (ấp Long Hoà).
Xã Vĩnh Phú Tây 2 vườn, 04 ha (ấp Bình Hổ).
Xã Phong Thạnh Tây A 1 vườn, 03 ha (ấp 8B) có các loài chim sinh sống chủ yếu là: Cò, Vạc, Diệc, Còng Cọc và Cò Quắm.
7. Di tích lịch sử - văn hóa
Đền thờ Trần Quang Diệu: Tọa lạc tại Ấp 1, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đền thờ được xây dựng năm 1917 theo lối kiến trúc đình làng Nam Bộ với có diện tích 800 m². UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2000.
Chùa Cosđon (Chùa monisereysophol cosdon): là chùa Phật giáo Theravada (Nam Tông) Khmer Việt Nam. Tọa lạc tại Ấp Bình Bảo,xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, Tỉnh Bạc Liêu. Thành lập vào ngày 05 tháng 02 năm 1903 trên phần đất với diện tích 50.000 m² do gia đình ông tá điền chủ Che hiến cúng thuộc ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Bia Chiến Thắng Mỹ Trinh: là bia tưởng niệm chiến thắng trận đánh Đại đội 915 (năm 1972) tại ấp Mỹ Trinh, xã Hưng Phú, huyện Phước Long. Bia Chiến Thắng Mỹ Trinh có diện tích là 3.500 m², trong đó diện tích được xây dựng là 2.400 m² được bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2008.
Chùa Đìa Muồng (CHÙA SÊ-RÂY VONG-SA CHEY-YA-RAM): Tọa lạc tại ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu được xây dựng năm 1956 với diện tích đất là 16.760 m².